Thuế suất chống bán phá giá Mỹ áp lên ống đồng Việt Nam là 8,05%, còn Canada áp lên thép cốt bê tông là 3,7-15,4%.
Theo kết luận sơ bộ vừa được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố, ống đồng nhập khẩu từ Việt Nam có biên độ bán phá giá 8,05%. Biên độ này thấp hơn nhiều so với cáo buộc ban đầu của nguyên đơn, là 110%, và thuế chống bán phá giá mà Mỹ đang áp dụng với mặt tương tự từ Trung Quốc, hiện mức cao nhất là 60%. Do vậy, Mỹ sẽ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ sản phẩm này với thuế suất là 8,05%.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm ống đồng của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2019 và 2020 lần lượt là 151,1 triệu USD và 183,9 triệu USD, tương ứng 20,4 nghìn tấn và 24,9 nghìn tấn.
DOC cũng cho biết, do bối cảnh Covid-19, cơ quan này sẽ không thẩm tra tại chỗ. Thay vào đó, DOC sẽ thẩm tra các thông tin làm căn cứ ra quyết định cuối cùng dựa trên các phương thức thay thế khác. DOC sẽ thông báo thời hạn để các bên liên quan có thể gửi ý kiến bình luận, đồng thời, phiên điều trần cũng có thể được tổ chức nếu có yêu cầu trong 30 ngày kể từ khi ra thông báo kết luận sơ bộ.
Một sản phẩm khác xuất xứ Việt Nam bị áp thuế bán chống phá giá là thép cốt bê tông.
Cơ quan Hải quan và Biên giới Canada (CBSA) sơ bộ kết luận mặt hàng này có biên độ phá giá 3,7-15,4% tuỳ nhà sản xuất, xuất khẩu. Trong thời kỳ điều tra, từ 1/6/2019 đến 30/6/2020, kim ngạch xuất khẩu thép cốt bê tông của Việt Nam đi Canada là xấp xỉ 66,5 nghìn tấn, tương đương khoảng 30 triệu USD.
Trên cơ sở kết luận sơ bộ nói trên, Canada sẽ áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời tương ứng với mức biên độ bán phá giá. Kết luận cuối cùng về phá giá và về thiệt hại của vụ việc dự kiến được ban hành lần lượt vào ngày 5/5 và 4/6.
Trước tình trạng này, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra của Canada.
Gần đây, Cục Phòng vệ Thương mại đã lưu ý về việc gia tăng số vụ điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ với hàng xuất khẩu Việt Nam. 5 năm qua, số vụ việc điều tra lên đến 100 vụ, trong khi cả giai đoạn 1994 đến nay tổng cộng có gần 200 vụ việc. Trong đó, Mỹ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, châu Âu… là các thị trường điều tra nhiều nhất hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, ngay cả những nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Malaysia… cũng có dấu hiệu đẩy mạnh các vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng Việt Nam. Gần đây nhất, Malaysia đã quyết định áp thuế chống bán phá giá lên thép cuộn cán nguội hợp kim và không hợp kim Việt Nam thời gian 24/1-23/5/2021, biên độ 7,42-33,7%.