Ngành thép đón gió thuận chiều

Từ nửa cuối 2020 sang đầu 2021, doanh nghiệp thép kinh doanh khởi sắc khi giá thép các loại liên tục tăng, từ thép dẹt cho lĩnh vực sản xuất đến thép cây xây dựng.

Chi tiêu đầu tư công cho hạ tầng hậu đại dịch được kỳ vọng là động lực chính thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép trên khắp thế giới, từ những quốc gia giàu có cho đến các khu vực đang phát triển. Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối 2020 đến đầu 2021, việc lĩnh vực sản xuất khởi động trở lại đã tạo nên nguồn cầu lớn, dẫn dắt đà tăng giá các loại thép dẹt.

Giá thép tăng cao

Các mức giá trên thị trường thép dẹt Trung Quốc cho thấy sự vững chắc kể từ cuối 2020 sang đến đầu 2021 trước khi suy yếu trong giai đoạn cận Tết Nguyên Đán, chủ yếu do ảnh hưởng từ mùa đông lạnh (tác động đến các hoạt động xây dựng) tiếp theo đó là kỳ nghỉ Tết. Sau khi thị trường trở lại từ ngày 18/02, giá thép bắt đầu lấy lại đà tăng.

Nhu cầu thép nội địa Trung Quốc vẫn đang cao nhờ sức tiêu thụ ổn định từ lĩnh vực sản xuất, cùng kỳ vọng về các hoạt động xây dựng khởi động trở lại. Điều này là yếu tố tích cực tác động lên tâm lý thị trường thép.

Thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc thời gian gần đây tăng giá một phần do tin đồn về việc Chính phủ quốc gia tỷ dân có thể cắt giảm các mức chi hỗ trợ xuất khẩu, dẫn đến động thái nâng giá bán để bảo đảm lợi nhuận từ các nhà sản xuất. Hãng nghiên cứu SteelMint cho biết nhiều bên tham gia thị trường mong rằng mức chi hỗ trợ xuất khẩu sẽ giảm về mức 8-9% từ mức 13% của hiện tại, qua đó, khiến giá xuất khẩu tăng cao hơn và mở ra cánh cửa cho các nhà cung cấp từ các quốc gia khác cạnh tranh với thép Trung Quốc.

Cước phí vận tải đắt đỏ cũng là một động lực thúc đẩy đà tăng giá thép.

Không chỉ tại thị trường châu Á, giá HRC toàn thế giới đang ngày càng được củng cố, hãng nghiên cứu Fastmarkets nhận định.

Tại Mỹ, giá HRC nội địa đạt trung bình 1,316 USD/tấn trong tháng 2/2021. Mức giá thép dẹt tại nền kinh tế lớn nhất thế giới được dung dưỡng bởi tình trạng thiếu nguồn cung nội địa, thời gian giao hàng lâu và nguồn cung nhập khẩu hạn chế. Hiện, Mỹ vẫn đang áp thuế nhập khẩu 25% (theo Mục 232 Đạo luật Thương mại) đối với thép.

Tại Việt Nam, theo đơn vị nghiên cứu dữ liệu hàng hóa Kallanish, thị trường thép cuộn cán nóng đang hướng lên khi các nhà cung cấp nước ngoài nâng mức chào giá. Bên mua tại quốc gia hình chữ S đang nhìn sang Ấn Độ để tìm nguồn cung thay thế với giá cạnh tranh hơn.

Đã có đơn hàng HRC 30,000 tấn với giá 745 USD/tấn CFR được bên mua Việt Nam đặt từ Ấn Độ, dự kiến giao hàng vào đầu tháng 4. Trong tháng 2/2021, Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia nhập khẩu thép Ấn Độ nhiều nhất. Cụ thể, Việt Nam nhập 50,049 tấn từ quốc gia Nam Á, xếp sau UAE với 66,898 tấn, Ý với 68,480 tấn.

Trong ngày 11/03, Hiệp hội Thép Đông Nam Á SEAISI dẫn thông tin từ Kallanish, cho biết nhà sản xuất thép Formosa Hà Tĩnh cũng đã nâng giá bán nội địa HRC giữa lúc thị trường sôi động. Theo đó, mức giá mới tăng 45-50 USD/tấn so với giá cũ công bố cách đây hơn 2 tháng.

Ông lớn Hòa Phát (HOSE: HPG) cũng tập trung sản xuất thép HRC nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Sản lượng bán hàng HRC của Hòa Phát sau 2 tháng đầu 2021 đã đạt 428,000 tấn, tương đương 74% sản lượng cả năm 2020.

thi-trương-dong

Doanh nghiệp thép Việt đón gió thuận chiều

Các doanh nghiệp thép lớn tại Việt Nam đang chuyển hướng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, những thị trường yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng nhưng có giá bán cao hơn so với các thị trường truyền thống tại khu vực Đông Nam Á.

Hãng tôn lớn nhất nước – Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) đã thiết lập kỷ lục xuất khẩu tôn mạ mới với sản lượng 121 ngàn tấn trong 2 tháng đầu 2021, doanh thu xuất khẩu vượt mốc 100 triệu USD. Hoa Sen hiện là nhà xuất khẩu lớn nhất và chiếm phân nửa sản lượng xuất khẩu tôn mạ toàn ngành, cùng với đó là 37.5% thị phần nội địa.

Đối với Thép Nam Kim (HOSE: NKG), sản lượng xuất khẩu sang châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục duy trì ở mức cao với lượng đơn hàng đủ để vận hành các nhà máy ở công suất tối đa đến tháng 6/2021, nhà phân tích thuộc CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết trong một báo cáo ngắn. Xuất khẩu sang châu Âu và Bắc Mỹ hiện chiếm khoảng 80-90% tổng sản lượng xuất khẩu của Nam Kim. Trong ngắn hạn, Công ty ưu tiên xuất khẩu và duy trì tỷ trọng tiêu thụ nội địa ở mức 30-40%. VDSC dự báo sản lượng bán hàng của NKG có thể đạt 400,000 tấn trong quý 1 này, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.

Diễn biến thuận lợi của giá thép được kỳ vọng là động lực để các doanh nghiệp đạt lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý đầu năm, một phần cũng nhờ cơ sở so sánh thấp của quý 1/2020 – giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.

Tại thị trường trong nước, giá thép các loại tăng trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Doanh nghiệp thương mại thép Thép Tiến Lên (HOSE: TLH), với thị trường chủ yếu tại nội địa, vừa báo cáo khoản lãi lớn (67 tỷ đồng) trong 2 tháng đầu 2021. Đà tăng giá thép bắt đầu từ cuối năm trước đã vực dậy thành tích kinh doanh ảm đạm kéo dài gần 2 năm (quý 4/2018-quý 3/2020) của hãng này.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu thép đồng loạt bật tăng. Thời gian gần đây, nhà phân tích từ các công ty chứng khoán đa phần nhận định tích cực về triển vọng kinh doanh của ngành thép.

Kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 đang đến gần. Một số doanh nghiệp thép đã công bố những thông tin đầu tiên về buổi họp quan trọng nhất năm, và cả các kế hoạch kinh doanh mà HĐQT dự kiến đệ trình lên cổ đông. Ban lãnh đạo NKG đặt mục tiêu lợi nhuận 600 tỷ trong năm 2021. Trong khi đó, SMC công bố kế hoạch lợi nhuận cẩn trọng ở mức 160 tỷ đồng, thấp hơn cả kết quả đạt được trong năm 2020.

Ngành thép đang tận hưởng cơn gió thuận chiều, các doanh nghiệp cũng bắt đầu trình làng kế hoạch mở rộng mới. Mùa đại hội sắp tới là lúc để các ban điều hành chia sẻ về cách thức mà họ sẽ dẫn dắt doanh nghiệp nắm bắt cơ hội khi thị trường khởi sắc, để vừa hướng đến mục tiêu phát triển và đồng thời cũng nên tránh được tình cảnh khó khăn tài chính như những gì đã diễn ra trong chu kỳ suy yếu của ngành từ 2018-2019.